Monday, September 29, 2014

Đi xem Thơ Quỳnh - Phạm Doanh Châu

Đi xem Thơ Quỳnh
Châu Phạm
San Jose, May 20, 2014

Hôm qua, tôi và anh Giám học Nguyễn Văn Chu đi thăm thành phố “Của Chuột và Người”, Soledad city, phía nam San Jose.

Lúc ra đi tôi rất hăng hái, phấn khởi để được đi viếng một thành phố có back ground liên quan đến quyển sách “Của Chuột và Người” của ông John Steinbeck. Khi ra về, chúng tôi gọi đùa rằng chuyến đi này là đi “xem Thơ Quỳnh”.

Soledad City Sign & Mr. Chu Nguyen
Our Lady Church, Soledad

Our Lady Church, Soledad
Đức Mẹ Maria, Our Lady Church, Soledad

Nói đến Soledad tôi cứ tưởng tượng một “Cổ Trấn Ven Đường” như cách nói của anh Ngô Thanh Tùng, sẽ là một thị trấn trù phú, thơ mộng như Sông Cầu ở Phú Yên. Tôi hình dung, đến Soledad sẽ được xem dòng sông Salinas êm đềm, nên thơ, có bãi cát vàng nơi mà 2 anh chàng Lennie và Geoge đã ngồi than thân trách phận vào một buổi chiều bên sông. Tôi hy vọng phong cảnh đẹp đẽ của dòng sông Salinas sẽ làm tôi và anh Chu quên cả giờ về...

Và tôi cũng tưởng tượng rằng Soledad có núi đồi xanh tươi như Napa, như Sonoma…

Để có bức tranh về Soledad, các anh chị thử xem một đoạn văn miêu tả dòng sông Salinas trong đoạn văn của ông John Steinbeck như sau:

“Phía Nam Soledad chừng mấy dặm, dòng sông Salinas đổ xuống theo sát sườn đồi, nước xanh thẳm và ấm nhờ phơi mình trên bãi cát vàng lấp lánh ánh nắng trước khi êm ả chảy vào một cái hồ nhỏ hẹp. Một bên bờ là những sườn đồi vàng ánh nhô lên, soải mình đến tận những vách núi đá Gabilan, bờ sông bên kia cây cỏ um tùm, hễ vào tiết xuân rặng liễu lại xanh rờn và những chiếc lá phía dưới gốc còn giữ dấu vết các trận lụt mùa đông qua, những hàng sung, lá và cành nhẵn thín vươn ra và kết thành một vòm trên mặt nước yên lặng. Trên bãi cát ven sông lá rụng thành một thảm dày và khô làm mỗi khi có con thằn lằn chạy qua, lại gây ra tiếng sột soạt ngân dài. Chiều đến, lũ thỏ từ các bụi rậm ra ngồi chơi trên cát và những chỗ đất thấp mỗi buổi sáng thường hãy còn dấu chân hay vết móng các đàn chuột ăn cá, bầy chó trại hay bầy hươu đã tới uống nước trong đêm.”

Theo lời ông John Steinbeck, phong cảnh Soledad đẹp đẽ quá! Nhưng thực tế không phải vậy.

Bờ sông Salinas, Soledad
Dòng sông Salinas đã khô nước, chỉ còn những bãi cát nóng bỏng dưới ánh mặt trời, không một giọt nước, không một con thuyền.

Sông Salinas, Soledad
Con đường xe lửa chạy ngang qua Soledad vắng vẻ, không sân ga… Thế mà tôi cứ tưởng những chuyến xe lửa đến Soledad sẽ như những chuyến Tàu Hoàng Hôn như được tả trong sách. Chỉ có cái Mission Nuestra Senora de La Soledad cổ kính, nhưng quá đơn sơ, tồi tàn.

Mission Nuestra Senora de La Soledad

Mission Nuestra Senora de La Soledad
Phế tích Indian Workshops, Soledad Mission
Chapel, Soledad Mission

Bên trong Soledad Chapel
Chau Pham, Soledad Mission - 2014
Nó không to lớn như Mission San Juan Bautista… Mission Nuestra Senora là di tích lịch sử đáng chú ý để viếng thăm khi đến Soledad.
Khi trở về chúng tôi mới hiểu tại sao tôi “đi xem Thơ Quỳnh”.

Để an ủi cho một ngày đi “xem Thơ Quỳnh”, tôi xin kể lại chuyện “trà dư tửu hậu” của anh Nguyễn Quỳnh, 1 hội viên cũ của Hội Ảnh.

Nói về Hoa, anh Nguyễn Quỳnh nhận xét rằng: "Có những loại Hoa không đẹp, không hương, không sắc, nhưng Hoa nổi tiếng là nhờ Thơ Văn ca tụng, thêm mắm thêm muối, thêm hương thêm vị như Nguyễn Tuân tả bát Phở, tả cách uống Trà..." Đúng vậy, nhờ đọc sách vở, Thơ Văn mà anh Quỳnh mới tìm và trồng các loại hoa quí hiếm như: hoa Mẫu Đơn, hoa Lan, hoa Quỳnh trong vườn. Đôi khi Thơ Văn làm chúng ta bị “đi xem thơ Quỳnh”.

Trên đường về, chúng tôi ghé Salinas thăm mộ ông John Steinbeck, nơi an nghỉ của một thiên tài.

Trước khi vào nghĩa trang, tôi đã lo lắng rằng: Tìm một ngôi mộ trong một nghĩa trang rộng mênh mông, xa lạ cũng như Hải Quân Hoàng Gia Úc đi tìm máy bay MH 370 của Malasia dưới Ấn Độ dương.

John Steinbeck’s Grave, Chau Pham

May quá, vừa vào đến cổng, chúng tôi đã thấy cái sign chỉ vào mộ John Steinbeck. Như thế là chúng tôi không phải "ngậm ngãi tìm trầm".

Ngôi mộ đơn sơ như những ngôi mộ khác. Những người thân, Ông Bà, Cha Mẹ cũng được an nghỉ chung ở ngôi mộ này.

Chuyến đi Soledad không như đi Napa, có cảnh đẹp, có rượu ngon nhưng dù sao Soledad cũng có ý nghĩa Lịch Sử, Văn Học.

Soledad, một thời là quê hương tiêu biểu của những người nghèo khó tha phương cầu thực đi tìm một cuộc sống mới khá giả hơn. Những năm 1849, người Mỹ về Miền Viễn Tây, họ ước mơ tìm được mỏ Vàng trên dòng sông American River ở Sacramento để đổi đời, rồi những năm 1930, kinh tế Mỹ khủng hoảng, dân chúng nghèo đói đã về Miền Viễn Tây tha phương cầu thực bằng nghề làm thuê, làm mướn trên những đồi Nho, trên những cánh đồng Strawberry... Một thời gian khổ như người tỵ nạn Việt Nam của những năm 1975!!!

Ngày nay, chúng ta tỵ nạn ở quê hương này, tuy đã trải qua những chuyến vượt biên gian nan, nguy hiểm để trốn chạy Cộng Sản. Chúng ta may mắn sống ở Thung Lũng Hoa Vàng, Silicon Valley, một trung tâm Kỹ Thuật Điện Tử của thế giới, một San Jose giàu có với high-tech. Phía nam có Thành Phố của Những Thiên Thần, Hollywood cũng giàu có, trù phú. Chúng ta phải nhớ lại công ơn người xưa: Người Da Đỏ (Native American) đã là tổ tiên lâu đời của vùng đất chúng ta đang sống, người Mễ đã tìm được đất Cali, và người Mỹ Trắng nghèo khổ từ Miền Trung Tây: Alabama, Missisipi, Tennesse... sang Miền Viễn Tây tìm cuộc sống mới. Họ đã xây dựng California thành tiểu bang Vàng (Golden State) cho chúng ta sống ngày nay. Họ đã khổ cực hơn chúng ta bây giờ.
Những người di dân từ Alabama đã phải sống trong những trại Hoovervilles, những khu ổ chuột tồi tàn xây dựng từ năm 1930 dưới thời tổng thống Hoover. Hoovervilles của Mỹ thời đó không thua gì khu Khánh Hội ở Sài Gòn.

Soledad là vùng đất của những con người tiêu biểu một thời đã đến Cali để xây dựng quê hương mới cho chúng ta ngày nay.

Dù Soledad nghèo nàn, không nguy nga tráng lệ, dù dòng sông Salinas không thơ mộng, nó chỉ có cát nóng khô khan, nhưng một quá khứ của Soledad đẹp đẽ đã hiện ra trong tôi. Niềm ao ước của tôi đi thăm thành phố “Của Chuột và Người" đã được thỏa mãn.

Châu Phạm
San Jose, May 20, 2014

1 comment:

  1. Thưa Anh Châu – Anh Chu,
    Qua bài viết và hình ảnh của hai Anh làm Tuyết Nhung liên tưởng đến nỗi gian nan, khổ ải - của những kẻ tha phương cầu thực… Nên Tuyết Nhung cảm kích viết đôi going để chia xẻ nỗi ngậm ngùi của người khách phương xa; đến đây tìm cảm giác mới lạ của những kẻ tha phương cầu thực khi xưa.
    Họ là những cánh nhạn lạc bầy đi tìm quê hương khắp chốn trong cảnh đọa đầy, gian khổ - cùng với nắng lên với gío vá cát - trên một vùng rộng mênh mông hoang vu. Tạo choTuyết Nhung có cảm giác nơi đây có gío bấc lạnh lùng thổi lên vùng nắng cháy cỏ khô rồi trụi đi - và gío cát cuồn cuộn mịt mùng dưới bầu trời đìu hiu vắng lặng… cùng với tiếng thì thầm của lịch sử sinh tồn, mờ ảo thời lưu lạc … và khi hai Anh tới thì nơi đây đột ngột hiện lên những cảnh tượng của thời xa xưa. Trong những ngày đó… có lẽ nơi đây trù phú,..nhưng giờ đây chỉ thoáng qua trong giấc mộng cũng đủ gây ra vô số đoạn trường - và giờ đây chỉ còn âm vang của lịch sử - và nỗi sầu tha phương là những tiếng ngân dài của lịch sử,.. đã được mở ra và rồi khép lại; như đàn chim rời tổ bay đi không quay lại ! Hai Anh là những người khách ngậm ngùi nhìn giòng sông đã khô, hoặc để dẫm bước trên lối đi nóng bỏng cát vàng,.. mà nơi đây xưa kia nước trong xanh biếc, cây cỏ xanh um… lũ chuột đói mò ra đi kiếm ăn trong đám cỏ hoa dại bên bờ. Nơi đây ta có thể nghe được những phấn đấu gian khổ của sinh tồn và những ngậm ngùi cay đắng của kẻ tha phương đi tìm cho mình một cuộc sống mới với hy vọng sẽ tốt đẹp hơn. Rồi nắng lên cùng với hao mòn sụp đổ. Lúc đi thì rộn ràng vì mình là khách; nhưng đến nơi thì hiu hắt ngậm ngùi giữa những tàn lụi, hoang phế của sự hủy diệt - và người khách đã ngậm ngùi giữa cảnh đồng không mông quạnh; cảm nhận được những chuyện đường đời vào lịch sử…Rồi tự hỏi đâu là cõi mộng thiên thu…! Và cảm khái buồn cho đời… rồi thương mình không thấy được người xưa mà lại muốn một lần xem thấy những di tích của họ. Cái cảm nhận đó chỉ một thoáng mà đã trở thành thiên thu vĩnh cửu ! Hai Anh đứng đấy nhìn cảnh cũ để hoài niệm người xưa. Đó là hình ảnh hiu hắt, khép kín, trầm lặng, xa vắng…! Ở đây không còn giòng nước xanh thẳm - mà thay vào đó là bãi cát vàng nóng bỏng, trơ trọi - dưới ánh nắng hiu hắt của trưa hè… Và hai Anh đã thỏa mãn - dù đã được thỏa mãn trong nỗi ngậm ngùi…!!
    Ngôi Thánh Đường vẫn đứng hiên ngang dưới bầu trời cô tịnh; Hoa cỏ vẫn còn được chăm sóc dù trong cảnh đìu hiu vắng lặng - như sức sống cố níu kéo. Bên trong hai hang ghế im lím tĩnh lặng như đang chờ người trở lại trong sự thiêng liêng thánh thiện…
    Một cây cổ thụ đứng chơ vơ trong nắng chiều hiu hắt như ngậm ngùi nuôi tiếc …!
    Thân ái gửi đến hai Anh và tất cả Qúy Anh Chị…
    Tuyết Nhung
    San Jose Oct 6, 2014

    ReplyDelete